Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Bài học cho Việt Nam

Tất cả những bài học được nêu ra - 8 bài học được cấu trúc trong 3 vòng cấu trúc - theo tôi, đều có thể coi là dành cho Việt Nam, nơi mà đa số doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Sự tồn tại của một cơ cấu doanh nghiệp như vậy hàm ý rất rõ rằng các bài học mà Các nhà vô địch ẩn danh đưa ra là đặc biệt thích hợp với Việt Nam.
Lý do thứ hai cắt nghĩa tính hữu ích của các bài học từ Các nhà vô địch ẩn danh cũng rất hiển nhiên và đơn giản: Việt Nam là nước đi sau, nơi mà mọi việc liên quan đến quỹ đạo phát triển thị trường trong môi trường toàn cầu hóa đều mới bắt đầu. Nghĩa là Việt Nam đang là “quốc gia khởi nghiệp” [start-up nation], còn các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp mới “khởi nghiệp”. Các bài học của những người đi trước, vì thế, là rất quan trọng.
“Đi sau” là khái niệm phản ánh trình độ phát triển còn thấp của một quốc gia hay doanh nghiệp trong cuộc đua tranh phát triển toàn cầu, hàm ý về một bất lợi lớn, nhưng mặt khác, nó cũng lại là một lợi thế tuyệt đối của chính quốc gia hay doanh nghiệp đi sau đó. Bởi lẽ “đi sau” tạo ra khả năng học hỏi những người đi trước để tiến nhanh, ban đầu là đuổi kịp để sánh vai, và sau đó (có thể) tiến vượt lên. Nước Đức ở châu Âu, nước Nhật ở châu Á là những mẫu mực tiến vượt như vậy trong thế kỉ XX. Gần đây hơn, kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đang khuyến khích nỗ lực bứt phá phát triển của các nước đi sau. Không nghi ngờ gì, và có lẽ cũng không có ngoại lệ đối với bất cứ nước nào trong số những nước đi sau, rằng nếu biết cách (tôi xin nhấn mạnh) tận dụng các kinh nghiệm đó, biết học hỏi những bài học đó, thì việc đuổi kịp, thậm chí tiến vượt những nước đi trước, tuy vẫn mang tính thách thức lớn, song quan trọng hơn, đã trở thành một khả năng mang tính hiện thực rất cao.
Tôi cho rằng đây chính là thông điệp bao trùm, là mục đích lớn nhất mà Các nhà vô địch ẩn danh mong muốn gửi độc giả trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, những độc giả đến sau nhưng không phải là muộn.
Nhưng để lĩnh hội các bài học của Các nhà vô địch ẩn danh một cách hiệu quả, trong khi vẫn phải nêu cao yêu cầu mà lợi thế đi sau đặt ra - học tất cả các bài học - thì rất cần nêu một số điểm nhấn, cần được đặc biệt lưu ý.
Điểm nhấn thứ nhất liên quan đến cách thức điều hành kinh tế vĩ mô, tức là sứ mệnh nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp. Về thực chất, điểm nhấn này gắn với bài học về thái độ mà các chính phủ cần dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những nhà vô địch ẩn danh tiềm năng, lực lượng trụ cột của một nền kinh tế quốc gia hiện đại.
Bài học này đối với Việt Nam là đặc biệt sâu sắc. Lý do là ở Việt Nam hiện nay, khu vực tư nhân vẫn còn nhiều yếu kém, phải hoạt động trong môi trường chưa thực sự thuận lợi, do vấn đề về chính sách, sự thiếu bình đẳng vị thế trong cạnh tranh, cho việc tiếp cận các nguồn lực và tiếp cận thị trường.
Không thể nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam, dù còn nhiều yếu kém, thiếu khát vọng vươn lên trong cuộc đua tranh phát triển toàn cầu. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong số này đang nuôi dưỡng và nỗ lực hành động để trở thành “các nhà vô địch”.
Nhưng, tiếc là trong thời gian gần đây, vì nhiều lý do, trong đó lý do chính liên quan đến hệ thống điều hành vĩ mô (mô hình tăng trưởng, hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế), đã dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm sút, vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu bị suy yếu. Tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài dẫn đến hành động làm ăn chộp giật, mang tính đầu cơ nhưng tiềm ẩn độ rủi ro rất cao. Kết cục là nhiều doanh nghiệp tư nhân - lên tới hàng trăm ngàn - đã phải tuyên bố đóng cửa hay ngừng hoạt động.
Rõ ràng là cách ứng xử chính sách ở tầm vĩ mô của Việt Nam thời gian qua không giống, thậm chí còn ngược hướng, với bài học được nêu trong Các nhà vô địch ẩn danh về cách các chính phủ quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra “các nhà vô địch”, tức là kiến tạo lực lượng nền tảng của một nền kinh tế quốc gia vững mạnh trong môi trường toàn cầu hóa.
Điểm nhấn thứ hai liên quan đến việc tạo lập năng lực cho các nhà vô địch. Phần lớn nội dung cuốn Các nhà vô địch ẩn danh được dành cho các bài học về tạo năng lực của các nhà vô địch. Thực ra, năng lực này được hình thành từ hai yếu tố - phẩm chất và sức mạnh. Nhà vô địch là những doanh nghiệp có những phẩm chất đặc biệt. Trên nền tảng phẩm chất, và cùng với nền tảng đó, các doanh nghiệp tạo ra sức mạnh để trở thành vô địch.
Phải nói rằng vì nhiều lý do, bao gồm cả lý do lịch sử và văn hóa, các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam hiện vẫn rất thiếu các phẩm chất và yếu tố cấu thành nhà vô địch. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng vô địch nhưng khát vọng đó đa phần là chưa đủ mạnh, chưa dựa trên những cơ sở lịch sử và văn hóa vững chắc. Khát vọng còn yếu đó lại ít được hỗ trợ, khuyến khích và củng cố bởi một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định bền vững. Mà lời khuyên từ Các nhà vô địch ẩn danh lại là: nhà vô địch phải có tầm nhìn hàng trăm năm cho một cuộc chơi đòi hỏi phẩm chất kiên trì chứ không phải sự khoa trương, và đặc biệt, phải dốc lòng dốc sức để tạo ra tính chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao nhất.
Rất tiếc là ở Việt Nam hiện nay, tầm nhìn ngắn hạn, phong cách “nước đến chân mới nhảy”, khuynh hướng “chộp giật”, v.v. vẫn còn là những yếu tố chi phối phong cách kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Ở Việt Nam, văn hóa kinh doanh vẫn đang là khái niệm mới, đang được thảo luận chứ chưa phải là hệ thống đã được định hình.
Nói như vậy để thấy những gợi ý, chỉ dẫn của cuốn Các nhà vô địch ẩn danh cho sự hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường toàn cầu hóa là: trước hết và quan trọng nhất phải trở thành các doanh nghiệp bình thường, sau đó, tiến tớí đẳng cấp doanh nghiệp “nhà vô địch”.
Hiện nay, áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa đối với các doanh nghiệp non trẻ và còn yếu kém của Việt Nam là rất lớn. Đây là một thách thức cực kỳ to lớn đối với việc xây dựng và định hình những phẩm chất của các doanh nghiệp thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhưng vượt qua thách thức là - và phải là - phẩm chất tự nhiên của các nhà vô địch. Không có con đường dễ dàng để đến vinh quang, nhất là vinh quang “ẩn danh”. Lời tuyên bố đó của Các nhà vô địch ẩn danh không mới. Nhưng ở đây có một điểm khác biệt: nó đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khát vọng chiến thắng trong môi trường toàn cầu hóa biết cách vượt qua thử thách để thực sự trở thành nhà vô địch. Đó chính là điểm nhấn tổng quát về các bài học cho Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam rút ra từ cuốn sách này.
Trần Đình Thiên


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Top WordPress Themes